Thứ Năm, 19 tháng 3, 2009

TRĂNG VẪN SÁNG PHÍA BỜ SÔNG

Truyện ngắn



Trăng sáng lõa lờ. Ánh trăng soi vào những chiếc tàu lá dừa, hắt lên một thứ ánh sáng vừa lung linh vừa ma quái. Mọi đêm, trăng thanh luôn đi kèm theo gió mát, còn đêm nay, trời đứng gió hẳn. Trong nhà, đàn muỗi đói mồi đang vo ve, xào xạc như vãi trấu. Đến quá nửa đêm, đầu óc trống rỗng, Bé vẫn không ngủ được. Choàng dậy, cô lần mò đi về phía bờ sông để vùng vẫy nhằm dịu cơn nóng, cơn khát đang bùng cháy trong người.

Từ nhà đến bờ sông, đường trúc trắc lại phải đi qua khu gò hoang. Ánh trăng nhảy múa theo từng bước chân của Bé. Trên cả thân hình cô, những vệt trăng như cố tình soi chiếu vào từng lổ thủng của bộ áo quần đang mặc trên người. Bờ sông vắng lặng. Sương nhẹ giăng. Không cần ngó trước ngó sau, Bé trút bộ quần áo. Chỉ còn một thân thể căng tràn của tuổi hai mươi. Cơn nóng ngày càng dâng. Bé lao vội xuống dòng nước mát rượi. Cô vùng vẫy, kỳ cọ, mơn man da thịt mình. Bàn tay cô ve vuốt bầu ngực thanh tân, lần lần, cô mân mê những vùng da thịt khác. Cô không thể nào hiểu nổi : Tại sao trong làn nước mát lạnh, cơ thể cô vẫn nóng bừng. Để cho làn nước mơn trớn một hồi lâu, Bé lên bờ. Trời bắt đầu có gió nhẹ, đàn muỗi tản dần, cơn buồn ngủ ập đến. Không nghĩ ngợi, ngại ngùng, Bé ngả lưng ngay trên bờ cát. Ánh trăng thấm đẫm bờ sông, thấm đẫm hình hài nguyên lành. Vì tâm trí lúc nhớ, lúc quên, Bé không như bao thiếu nữ khác phải e dè, kín đáo khi phô bày thân thể, dù trong nhà tắm kín cửa, then cài. Cô ngủ vô tư như đứa trẻ ngủ êm đềm theo nhịp đưa của võng.

Mọi đêm, Bé ngủ không mộng mị. Đặt lưng xuống chiếu, cô ngủ một lèo tới sáng. Đêm nay, tự dưng cô nằm mơ. Trong giấc mơ, Bé thấy mình đang bay. Chầm chậm, nhẹ nhàng cất mình khỏi mặt đất.Từng phần cơ thể mọc những đôi cánh nhỏ. Bắt đầu là bờ môi. Dịu dàng, ngọt lịm, ngất ngây.Tiếp đến, bộ ngực tròn trịa, căng tràn như được xoa nhẹ, mơn man, vần vọc đến muốn vỡ. Và tiếp nữa…những vùng khác nhau….Tất cả bay lên, kết lại như một đàn bướm đang giỡn đùa trong nắng xuân, cùng ngắm nhìn xuống nhân gian…Một bờ sông yên ắng. Một hình hài trắng ngần dưới trăng. Quẫy đạp, rướn mình…Bên cạnh, một thằng đàn ông đang cúi xuống, say sưa, hoan hỉ, nhẹ nhàng, vồ vập. Bỗng một cơn đau xé, đàn bướm từ trời cao xà xuống nhưng rồi tất cả chấp chới bay lên, bay mãi, bay đến tận mây xanh! Trên ấy, đàn bướm nhỏ hòa vào mây trời trong niềm hoan lạc được hóa thân.

Chiều hôm ấy, Bé nhón chân hái mấy ngọn sắn mỳ non để nấu bát canh với mớ tép cha cô đơm hồi tối. Tự dưng, cô thấy hoa mắt, hoa mũi, xây xẩm cả mặt mày, cô vội vào nhà, đắp chiếu nghỉ. Mặt trời dần khuất sau luỹ tre, bóng tối từng bước mò vào nhà, ông Hai kéo lê đôi chân khoèo từng bước lên hè nhà.Nhìn một lúc, quen dần với bóng tối trong nhà, ông thấy Bé đang dắp chiếu ngủ, ông quát:

- Dậy! Cơm nước nấu chưa mà ngủ?

Bé ngồi choàng dậy:

- Con chưa nấu cha ạ!

- Trời! Con với cái! Sao giờ mày chưa nấu?

- Tự dưng con thấy trong người…- Không đợi con gái nói hết câu, ông lật đật

hỏi:

- Xức dầu chưa?

- Con đã xức nhưng không đỡ!

- Thôi nằm nghỉ đi, để tao đi nấu.

Mệt bã người lại thêm cái đói đang cào cấu nhưng vì thương con, ông không

nỡ kình nó, đứa con gái duy nhất bà Hai để lại cho ông. Lại thêm chứng dở người, khi nhớ khi quên của nó, ông càng thương nó hơn. Nhiều lúc đang ngồi lắc lẻo trên mấy tàu dừa cao chót vót dưới xóm Rẫy, nghĩ đến cảnh mai này, khi ông khuất núi, về với bà Hai và những đứa con chưa thành người, Bé sẽ sống với ai, ông không khỏi chạnh lòng.Vợ chồng ông, không biết trời đày kiếp đoạ thế nào, mang thì nhiều lần nhưng sinh dưỡng được mỗi mình con Bé. Nó được năm tuổi, bà Hai, sau một trận bệnh kéo dài gần một năm trời, bao nhiêu của nả hai người dành dụm để phòng lúc già và có cái cho con Bé khi có chồng, cũng theo bà ra đi. Từ ngày ấy, ông Hai chỉ còn biết đi làm thuê làm mướn để cha con đong gạo qua ngày. Lúc còn đủ sức, con Bé cũng dần lớn, tự lo cơm nước được, mùa nào, việc ấy, có khi ông bỏ nhà vào tận Long Khánh hái cà-phê hoặc theo mấy bà trong xóm, ra các buôn người Hơroi để gặt lúa rẫy. Dần dà, sức khoẻ cạn kiệt, con Bé ngày càng lớn, phổng phao, mơn mởn, ông không thể bỏ nó ở nhà một mình (lỡ có điều gì xảy ra với nó, ông còn mặt mũi nào mà nhìn bà Hai dưới ấy!), ông quay lại làm công việc thời trai trẻ: Trèo dừa thuê.Công việc không nặng nhưng ở tuổi của ông, một ngày leo lên leo xuống năm bảy cây dừa đã là quá sức! Nhiều lúc, muốn nghỉ vài bữa để lấy lại sức nhưng nghĩ đến con, ông không đành…Vừa nấu cơm, vừa nghĩ vẩn vơ, bữa cơm cũng xong.Bày tất cả ra mâm, ông bưng ra ngoài nền sân đất nện. Đâu vào đó, ông khẽ khàng gọi Bé dậy ăn cơm. Và được vài miếng, Bé tự dưng muốn ói. Cô chạy ra vò nước uống vội một gáo nước để khỏi ói rồi trở về mâm cơm. Nhìn con, ông Hai thấy đứt cả ruột. Nếu còn mẹ, bệnh đau thế này, chắc mẩm mẹ nó lo cho nó được một nồi cháo rồi! Hai cha con, hai góc mâm, lặng lẽ như hai cái bóng dưới trăng.

Ba bốn hôm sau, thấy con ngày càng mệt, ông Hai quyết nghỉ một buổi ở nhà chăm sóc. Nhìn thấy gân cổ Bé đập phập phồng, lại thêm chân mày lổm chổm, ông Hai sanh nghi ( hồi bà Hai có chửa, bà cũng có những triệu chứng như vậy):

- Mày làm gì với thằng nào?

- Đâu có thằng nào, cha!

- Chắc không?- Ông Hai gầm lên

Bé nghe cha quát vậy, nó liền kể lại giấc mơ của mình.

- Thôi! Không kể nữa! Thằng đó là thằng nào?

- Con đâu có thấy mặt! Làm sao con biết nó là ai?

Chiều hôm ấy, bà con trong xóm thấy ông Hai ra bờ sông gánh cát về đổ sân

nhà. Mọi người chọc ông:

- Bác Hai gánh cát về cất nhà để cưới chồng cho con Bé hả?

Không thưa gởi, ông lầm lũi làm việc. Đống cát cao dần, ông bắt Bé trèo

lên cành ổi mọi ngày cô vẫn trèo rồi nhảy xuống. Cứ thế, đống cát tràn ra, ông tóm gọn lại, đống cát vơi đi, ông lại ra sông gánh về, ngày ngày, đi làm về sớm, ông lại bắt Bé trèo lên, nhảy xuống. Thế nhưng cái bụng ngày càng to…dù bao nhiêu nỗ lực của ông đã bỏ ra! Bé sinh ra một thằng cu. Ông Hai thấy cũng vui vui trong bụng: Thôi thì nó có đứa con, sau này có người sớm hôm, mẹ con hủ hỉ đỡ buồn! Vui thì vui nhưng ông vẫn ức cái thằng chó chết nào đó, ông không đặt tên theo cách mọi người đặt cho con cháu mình, ông thằng cu tên Nó, theo ông, nó là nó, không rõ là ai!

*

* *

Ngày qua tháng lại, Nó lẫm chẫm biết đi, rồi biết chạy. Những buổi chiều muộn, ông Hai chưa về, nó chạy ra tận đầu xóm để đón ông. Hai ông cháu tíu ta tíu tít. Một người hàng xóm thấy vậy, lại ghẹo ông:

- Bữa nào biểu con Bé đẻ một con nữa cho đủ cặp!

Lặng thinh, ông Hai công kênh thằng cháu ngoại về nhà.

Nó lên sáu, ông Hai bắt đầu truyền nghề cho cháu. Nhà có mấy cây cau trước

cửa, ông tập Nó trèo cau. Tay chân thằng cháu còn nhỏ xíu, ông làm cho nó cặp nài. Dần dần, thằng Nó leo cau thoăn thoắt, còn nhanh hơn cả con mèo mướp ở nhà.

Bé, sau lần sinh nở đầu tiên, da dẻ ngày càng hồng nhuận, hông nở, mông tròn, mắt càng lúng liếng, vùng quên ngày càng phát triển hơn. Đêm ấy, sau bữa cơm tối, Bé ra sông tắm, rồi cô lại ngủ quên trên bờ sông…Giấc mơ cũ lại trở về. Lần này, cô thấy mình quằn quại hơn, dữ dội hơn và đàn bướm lại bay cao hơn. Trong khi bay lên cao, đàn bướm tạt qua những ngọn dừa trong làng. Tự nhiên, đám dừa rung xàn xạt như có cơn gió dữ thổi qua!

Hôm sau, mặt trời lên cao, bóng của hàng cau đã ra khỏi hiên nhà, ông Bột, người hàng xóm đã đi làm đồng về, Bé mới tỉnh ngủ. Cô nhìn thấy ông Hai vẫn còn ngủ, cô lay, cô gọi, ông Hai vẫn không trả lời. Cô gào to, thằng nó từ phía bờ sông chạy về:

- Gì vậy má?

- Ông ngoại con sao không dậy!

- Để con coi thử!- Nó vào, làm mọi cách để ông ngoại nó dậy. Nhưng Nó còn

quá non nớt, mẹ nó thì quá ngu ngơ để hiểu rằng ông Hai đã lìa đời.Vừa may lúc đó, ông Bột nghe trong nhà có tiếng gọi dài của mẹ con nó, chạy sang:

- Có chuyện gì mà mẹ con mày kêu la om xòm ?

- Ông ngoại…- Vừa nói, Nó vừa chỉ tay về phía chiếc ván đơn. Ông Bột

bước vội lại. Ông Hai lạnh toát:

- Ổng chết rồi!- Hai mẹ con Nó vừa nghe vậy, cùng đổ sụm xuống, như hai

thân chuối bị một cơn gió dữ thổi tạt qua, quằn đổ.

Những ngày sau đó, ông Bột qua lại nhà Bé thường xuyên hơn, lúc thì thắp cho ông Hai nén nhang, lúc sửa lại cái mái nhà bị dột. Với Bé, ông Bột có cũng vậy, không cũng vậy thôi! Nhưng với Nó, ông là người thay thế ông ngoại, ông chỉ bảo Nó mọi điều, trừ việc chỉ Nó trèo dừa. Nó muốn nối nghiệp ông ngoại nhưng ông Bột không chịu:

- Con không được làm nghề ấy! Vừa nguy hiểm vừa phải cả đời làm mướn

thiên hạ! Con phải đi học, để có cái chữ, để bạn bè khỏi chê cười!

Từ đó, ông Bột trở thành người thân thiết trong nhà. Mẹ con Nó hết gạo, ông vác cả bao gạo sang, mẹ con Nó hết mắm, ông đi chợ mua cả can nước mắm về…Ngày Bé trở dạ, ông mướn cả chiếc xe ngựa đưa cô đi sinh, rồi ông chờ, lúc vào, lúc ra, lúc đứng, lúc ngồi…như bao người đàn ông khác chờ vợ chuyển dạ.

( Theo ý tưởng từ Entry Nó của Cỏ May)

1 nhận xét: